Qua đời Giang Thanh

Cuộc tự sát đầy bí ẩn

Ngày 13-5-1991, khi ở Tử Tiên Kiều, Giang Thanh sốt liên miên không dứt, nên đã được đưa tới bệnh viện của công an. Cũng như mọi bệnh nhân khác, Giang Thanh cũng phải ghi tên vào phiếu nhập viện. Song lần này bà ta lấy tên là “Lý Nhuận Thanh”. Điều đó, một lần nữa chứng tỏ rằng bà ta vô cùng hoài niệm mối tình vợ chồng với Mao. “Nhuận” là tên của Mao Trạch Đông thời trai trẻ. “Lý” là họ của Giang Thanh, còn “Thanh”  thì như đã biết, là tên của Giang Thanh do Mao Trạch Đông đặt cho.

Ngày 18-3, cơn sốt cấp của Giang Thanh đã lui, người gầy rộc đi, Bà ta được chuyển tới một gian buồng bệnh có 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm và tủ để đồ.

Bác sĩ nhiều lần đề nghị phẫu thuật họng cho Giang Thanh, song bà ta đều cự tuyệt và còn khinh miệt nói: “Tôi không tin các người lại dám không cẩn trọng đối với một chiến sĩ cách mạng vô sản”.

Giữa lúc sức khỏe ngày càng suy giảm, Giang Thanh lại càng nhớ tới Mao Trạch Đông. Bên chiếc gối của bà ta còn lưu giữ vết tay ông, trên áo bà ta mặc đeo huy hiệu hình ảnh Mao Chủ tịch. Trên chiếc tủ ở đầu giường đặt bức ảnh chụp chung Giang Thanh và Mao Trạch Đông đang dạo bước ở Trung Nam Hải. Mỗi buổi sớm mai, khi một ngày mới bắt đầu, bà ta đều đọc, ngắm những bài thơ trong “Tuyển tập Mao Trạch Đông”.

Mỗi lần tiết thanh minh tới, bà ta yêu cầu được tới Nhà tưởng niệm của Mao Trạch Đông ở Thiên An Môn và yêu cầu cho phép Lý Nạp mang một cuộn giấy trắng vào bệnh viện để bà có thể làm cho Mao một vòng hoa. Song hai yêu cầu trên đều bị khước từ.

Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 14-5, y tá rời phòng ngủ của Giang Thanh. Vào khoảng 3 giờ, với dáng vẻ yếu đuối và tuyệt vọng, Giang Thanh bò từ phòng ngủ tới toa-lét. Bà ta dùng mấy chiếc khăn tay bện thành chiếc thừng thòng lọng, rồi quẳng vào giá sắt phía trên bồn tắm. Giang Thanh dùng chăn, gối kê ở phía dưới để mình có thể cao bằng nút buộc. Bà ta chui đầu vào thòng lọng, rồi đá bung chăn gối kê ở dưới chân… 3 giờ 30 phút, một cô y tá bước vào, phát hiện bà đang treo trên bồn tắm. Các y tá và bác sĩ vội vàng chạy tới, song tất cả đều đã muộn. Người đàn bà đã từng là diễn viên, là nhà chính trị, ngôi sao nghệ thuật và là vợ Mao Trạch Đông đã chết ở tuổi 77. Thi thể của Giang Thanh nặng 47 kg, hao 1 kg so với ngày 15-3 khi vào bệnh viện.

Chiều hôm đó, được tin Lý Nạp đã tới bệnh viện ký vào giấy báo tử. Không biết do ý của Lý Nạp hay do sự gợi ý của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lý Nạp đã đồng ý không tổ chức bất kỳ một kiểu tang lễ nào. Sau đó 3 ngày, thi thể Giang Thanh đã được hỏa táng. Hôm đó Lý Nạp không có mặt. Lý Nạp yêu cầu chuyển hộp tro xương cho mình. Lúc ấy, cả nước và thế giới đều không hay biết gì về cái chết của Giang Thanh.

Đầu tháng 6-1991, Tuần báo “Thời đại” đã báo tin này với toàn thể thế giới. Tuần báo “Thời đại” nói, theo nguồn tin Bắc Kinh, ngày 1-6 không đề rõ tên tuổi, Giang Thanh đã thắt cổ tự tử. Nguyên nhân tự sát do ung thư vòm họng. Sau đó mấy ngày, vào khoảng 11 giờ đêm 4-6-1991 Chính phủ Trung Quốc đã xác nhận nội dung chủ yếu của tin báo “Thời đại”. Toàn văn thông báo như sau:

“Theo tin “Tân hoa xã” Bắc Kinh ngày 4-6, Giang Thanh, thủ phạm vụ án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh, trong thời gian chữa bệnh tại ngoại, sáng sớm ngày 14-5-1991 đã tự sát tại nơi ở của bà tại Bắc Kinh. Tại phiên tòa đặc biệt Tòa án Nhân dân tối cao, tháng 1-1981, Giang Thanh đã bị kết án tử hình, được hoãn thi hành án trong 2 năm, bị tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời. Tháng 1-1983 được sửa thành án tù chung thân. Ngày 4-5-1984 được phép chữa bệnh tại ngoại”.

Thông báo không hề đề cập tới tiểu sử cuộc đời Giang Thanh, cũng không hề đề cập tới bà ta đã từng giữ các chức vụ cao, hay đã từng suốt 18 năm ròng làm Đệ nhất phu nhân - vợ Chủ tịch Mao Trạch Đông. Nếu như đám trẻ con của các trường phổ thông đọc tới mẩu tin ở một góc trang 4, đăng trên “Nhân dân nhật báo” này, chắc chúng không thể nghĩ được rằng, người đàn bà này đã từng là phu nhân của Mao Trạch Đông - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.